5 Nghi Lễ Trong Phong Tục Cưới Hỏi Truyền Thống ở Việt Nam

5 Nghi Lễ Trong Phong Tục Cưới Hỏi Truyền Thống ở Việt Nam

5 Nghi Lễ Trong Phong Tục Cưới Hỏi Truyền Thống ở Việt Nam

Cưới hỏi là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong đời sống văn hóa của người Việt Nam, đi kèm với đó là những nghi lễ truyền thống được tổ chức theo từng bước một. Dưới đây là bật mí 5 nghi lễ đặc trưng trong phong tục cưới hỏi của người Việt Nam!

Lễ dạm ngõ

Lễ dạm ngõ được coi là buổi gặp gỡ chính thức đầu tiên của 2 bên gia đình, Đây là dịp để hai bên làm quen và đồng thuận cho mối quan hệ tiếp theo cũng như là lời xin phép của gia đình nhà trai gửi đến gia đình nhà gái cho đôi bạn trẻ được tiến tới hôn nhân.

Đối với lễ dạm ngõ, nhà trai sẽ cần chuẩn bị sính lễ đề trao tặng nhà gái. Tùy thuộc vào văn hóa, phong tục của từng vùng miền mà sính lễ dạm ngõ cũng có sự thay đổi nhất định:

  • Lễ vật dạm ngõ trong phong tục cưới hỏi miền Bắc: Gồm có trầu cau, cặp trà, cặp rượu, bánh kẹo, hoa quả. Theo quan niệm của người miền Bắc thì các món lễ vật cần được chuẩn bị theo số chẵn vì mang ý nghĩa có đôi có cặp, hòa hợp nhau.
  • Lễ vật dạm ngõ trong phong tục cưới hỏi miền Trung: Gồm có khay trầu cau, một chai rượu gói giấy đỏ, các món sản vật địa phương.
  • Lễ vật dạm ngõ trong phong tục đám cưới miền Tây: Lễ vật nhà trai mang tới nhà gái sẽ được chuẩn bị theo số chẵn. Trong mâm lễ vật sẽ gồm có các sính lễ như: Trầu cau, trà, rượu, nến, xôi gấc, trái cây.
Lễ dạm ngõ - Một trong những phong tục cưới hỏi Việt Nam quan trọng
Lễ dạm ngõ – Một trong những phong tục cưới hỏi Việt Nam quan trọng

Lễ ăn hỏi

Lễ ăn hỏi là bước thông báo chính thức về việc hứa gả giữa hai gia đình. Trong lễ này, nhà trai mang theo các lễ vật đến nhà gái, đồng thời hai bên coi nhau như vợ chồng chưa cưới. Các tráp lễ vật thường có: Trầu cau, bánh cốm, chè, hoa quả, lợn quay, rượu, thuốc lá, tiền đen (tiền nạp tài).

Trước buổi lễ ăn hỏi diễn ra, 2 bên gia đình sẽ bàn bạc và thống nhất với nhau về ngày giờ ăn hỏi, số lượng tráp. Tùy thuộc vào phong tục tập quán của từng vùng miền mà sính lễ ăn hỏi cũng sẽ khác nhau. Thông thường, số lượng tráp trong lễ ăn hỏi của người miền Bắc là số lẻ, từ 3, 5, 7 đến 15 tráp tùy nhà. Còn đối với phong tục cưới hỏi miền Nam thì số lượng tráp lại là số chẵn.

Trong lễ ăn hỏi, nhà trai sẽ mang các lễ vật tới nhà gái
Trong lễ ăn hỏi, nhà trai sẽ mang các lễ vật tới nhà gái

Lễ xin dâu

Lễ xin dâu là nghi lễ nhỏ được thực hiện trước giờ đón cô dâu từ nhà mẹ đẻ về nhà chồng. Trước khi đến giờ đón dâu chính thức, đại diện nhà trai thường là mẹ chú rể hoặc cùng người thân thiết sẽ mang cơi trầu tới nhà cô dâu trước để làm lễ xin dâu.

Hiện nay, nhiều gia đình sẽ thống nhất tổ chức lễ xin dâu gộp với lễ hỏi hay lễ cưới. Trong trường hợp gộp lễ xin dâu với lễ cưới, trưởng đoàn nhà trai sẽ vào nhà gái trước để xin dâu. Sau khi hoàn thành lễ xin dâu, đại diện nhà gái mới ra mời đoàn nhà trai vào để tiến hành làm lễ đón dâu.

Lễ rước dâu

Rước dâu là nghi lễ quan trọng nhất trong cưới hỏi ở Việt Nam. Đoàn nhà trai đến nhà gái và tiến hành các nghi thức tiếp theo của lễ vu quy như phát biểu, làm lễ gia tiên và tặng quà hồi môn cho cặp đôi. Trong lễ rước dâu sẽ có một số nghi lễ chính như:
  • Nhà trai trao lễ vật: Nhà trai mở nắp từng tráp và giới thiệu từng mâm sính lễ đã chuẩn bị tươm tất từ trước đó dành tặng gia đình cô dâu;
  • Nhà gái nhận mâm quả: Sau khi nhà gái nhận lễ vật, người đại diện sẽ nhận mâm quả và đặt lên bàn thờ gia tiên;
  • Cô dâu ra mắt gia đình 2 bên: Theo phong tục cưới hỏi truyền thống thì cô dâu sẽ không được xuất hiện khi nhà trai tới. Theo đó, cô dâu sẽ ngồi đợi trong phòng cho đến khi ba hoặc mẹ vào dắt ra để ra mắt hai bên họ hàng.
  • Làm lễ gia tiên: Cô dâu chú rể thực hiện nghi thức gia tiên bằng việc thắp hương trên bàn thờ gia tiên để bày tỏ lòng biết ơn, sự hiếu thảo cũng như báo cáo hôn sự với tổ tiên.
  • Trao nhẫn cưới: Tại lễ gia tiên, thông thường bố mẹ 2 bên sẽ tặng cô dâu chú rể tiền mừng cưới hoặc trang sức vàng gồm: Nhẫn, vòng, hoa tai,…Đây như của hồi môn mà bố mẹ muốn dành tặng cho con cái khi bắt đầu cuộc sống hôn nhân.
  • Mời trầu cau và mời rượu: Cô dâu chú rể đi mời trầu cau, mời rượu bố mẹ 2 bên cũng như những người lớn tuổi trong gia đình 2 họ để thể hiện lòng biết ơn, sự hiếu thảo.
  • Trả lễ: Sau khi nhận sính lễ từ nhà trai, nhà gái sẽ thực hiện nghi thức trả lễ. Thông thường, nhà gái sẽ trả lại mâm quả cho nhà trai với ½ số lễ nhà trai đã mang sang. Nếu mâm quả đậy bằng nắp thì nhà cái sẽ lật ngược nắp lên, nếu là khăn thì sẽ lật một nửa khăn lên.
  • Rước dâu sang nhà trai: Sau khi thực hiện trong các nghi lễ tại nhà gái, đại diện nhà trai sẽ xin phép gia đình nhà gái để rước cô dâu về nhà mình.
  • Lễ tại nhà trai: Sau khi rước dâu, tại nhà trai cũng thực hiện các nghi lễ truyền thống như nhà gái.
Lễ rước dâu - Nghi lễ cưới quan trọng
Lễ rước dâu – Nghi lễ cưới quan trọng

Lễ lại mặt

Lễ lại mặt là buổi lễ truyền thống trong đám cưới tại Việt Nam, được diễn ra sau lễ thành hôn. Ở lễ này, cô dâu chú rể sẽ cùng mang quà lại mặt đến thăm bố mẹ vợ và bái lạy tổ tiên. Buổi lễ lại mặt được tổ chức tại nhà gái với sự có mặt của bố mẹ vợ và 2 vợ chồng, anh chị em ruột của gia đình nhà gái. Lễ lại mặt sẽ không mời họ hàng, người quen tới tham dự để tránh mất không khí thân mật của buổi tiệc.

Lễ lại mặt có thể được diễn ra sau khi hôn lễ được tổ chức xong từ 1 – 3 ngày. Nếu lễ lại mặt được tổ chức sau ngày cưới thì gọi là Nhị Hỷ, nếu được tổ chức sau 3 ngày thì gọi là Tứ Hỷ. Trong trường hợp thời gian không cho phép, đường xá xa xôi thì lễ lại mặt có thể được dời lại nếu cả cô dâu, chú rể cùng bố mẹ vợ đều đồng ý.

Các nghi lễ trong phong tục cưới hỏi Việt Nam không chỉ là cách tôn vinh truyền thống mà còn là dịp để gia đình, bạn bè và người thân tụ họp, tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời. Mong rằng qua những chia sẻ ở bài viết mang tới cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích để từ đó chuẩn bị cho đám cưới của mình kỹ càng hơn!

Tin tức nổi bật

Xem thêm